Chùa Một Cột được khởi công xây dựng vào năm Kỷ Sửu 1049, dưới thời vua Lý Thái Tông. Theo truyền thuyết dân gian, trong một giấc chiêm bao vua Lý Thái Tông đã mơ thấy Phật bà Quan Âm đang tọa trên đài sen tỏa ánh hào quang và mời nhà vua lên cùng. Tỉnh giấc chiêm bao nhà vua liền kể với bề tôi. Nhà sư Thiền Tuệ khuyên vua nên dựng chùa trên trụ đá y như trong giấc mơ, làm tòa sen để Phật bà ngự ở trên.

Chùa Một Cột với lối kiến trúc lấy cảm hứng từ đài sen 

Trong sử sách có chép lại tại vị trí chùa Một Cột bây giờ có một cột đá phía trên có ngôi lầu ngọc, trong lầu ngọc có tượng Phật Quan Âm đã được dựng ở hồ nước vuông. Nhà vua thường lui tới tụng kinh niệm phật, cầu nguyện. Sau hoàng tử nối dõi tu sửa lại thành chùa và dựng thêm một ngôi chùa bên cạnh cách 10m về phía Tây Nam. Cụm di tích này được đặt tên Diên Hựu Tự với mong muốn “phước lành dài lâu”.

Chùa Một Cột nằm trong quần thể Quảng trường Ba Đình và Lăng Bác 

Vì nằm trong quần thể Quảng trường Ba Đình và Lăng Bác nên thời gian chùa mở cửa cho khách vào tham quan cũng phụ thuộc vào 2 địa điểm này. Theo đó, chùa sẽ đón khách trong khoảng thời gian từ 7h đến 18h hàng ngày. Thời lượng cho mỗi chuyến tham quan thường dao động từ 1 – 3 giờ đồng hồ.

Chùa không thu tiền vé đối với công dân Việt Nam đến vãn cảnh, lễ Phật hoặc cúng bái. Riêng đối với các du khách người nước ngoài, giá vé tham quan Chùa Một Cột là 25.000 VNĐ/ người. 

Chùa Một Cột đã được chọn làm một trong những biểu tượng của thủ đô Hà Nội, ngoài ra biểu tượng chùa Một Cột còn được thấy ở mặt sau đồng tiền kim loại 5000 đồng của Việt Nam. Tại thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh cũng có một phiên bản khác của chùa Một Cột. Ngoài ra, tại thủ đô Moskva của Nga cũng có một phiên bản chùa Một Cột được xây lắp tại Tổ hợp Trung tâm Văn hóa - Thương mại và Khách sạn "Hà Nội - Matxcova". 

Chùa nằm trong khu vực quận Ba Đình, gần với nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng nên khá dễ tìm. Du khách có thể đến đây bằng các loại phương tiện cá nhân như xe máy, ô tô hoặc chọn các dịch vụ xe taxi, xe ôm công nghệ. Nếu di chuyển bằng xe buýt, bạn hãy bắt các tuyến xe buýt có trạm dừng gần với chùa, chẳng hạn như tuyến số 09, số 22, số 33, số 45 và số 50. Tất cả các tuyến trên đều có điểm dừng ở số 15A Lê Hồng Phong.

Sau đó, các bạn có thể tham quan các địa điểm khu vực lân cận như Hoàng thành Thăng Long, Cột cờ Hà Nội, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình…

Annie