Bình Định không chỉ nổi tiếng với danh xưng "đất Võ, trời Văn" mà còn nổi danh với nhiều làng nghề truyền thống, đặc biệt là làng dệt chiếu cói với hơn 200 năm lịch sử tại thị xã Hoài Nhơn, Bình Định. Nghề dệt chiếu cói đã tồn tại từ lâu đời tại Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định và một số địa phương khác trong Bình Định. Với lịch sử hình thành trên 200 năm tại vùng đất xứ dừa Hoài Nhơn, làng nghề dệt chiếu cói đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định công nhận là một làng nghề truyền thống. 

Hình ảnh người dân thu hoạch cói (Ảnh: Nguyễn Quang Ngọc ) 

Để sản xuất ra những chiếc chiếu hoàn thiện, người dân tại đây trồng cây cói và thu hoạch hai mùa trong năm. Nếu may mắn, người dân có thể thu hoạch được ba mùa vụ. Mùa đầu tiên là vào khoảng tháng 3 đến tháng 4, còn mùa thứ hai kéo dài từ tháng 7 đến giữa tháng 9. 

Người buộc cói thành các bó sau đó gánh về làng (Ảnh: Nguyễn Quang Ngọc ) 

 

Khung cảnh cánh đồng cói xanh mướt trước khi bước vào vụ mùa (Ảnh @viet_pirate)

Làng dệt chiếu Hoài Châu Bắc có nhiều loại chiếu khác nhau, bao gồm chiếu khổ rộng và khổ hẹp, cùng với các loại chiếu trơn và chiếu hoa với họa tiết đa dạng. Sau khi thu hoạch cây cói, người dân sẽ sử dụng máy chẻ nhỏ để tách các sợi nhỏ ra và phơi khô trong khoảng 4 ngày. Sau đó, các sợi cói sẽ được nhuộm với phẩm màu (bao gồm các màu đỏ, xanh, lục và vàng) và phơi thêm hai ngày trước khi bắt đầu dệt chiếu.

Hoạt động nhuộm cói trước khi phơi khô để tạo ra thành phẩm cuối cùng. ( Ảnh:Khánh Phan)

 

Việc dệt chiếu trơn tương đối đơn giản, chỉ cần dùng cói trắng chưa nhuộm màu. Trong khi đó, dệt chiếu hoa đòi hỏi công phu hơn nhiều. Ở Bình Định, chiếu hoa không được dệt từ chiếu trắng rồi in họa tiết lên như một số vùng khác,cần phải chọn sợi cói đã nhuộm màu theo ý muốn của từng người làm. Sợi cói được ngâm vào phẩm nhuộm và phơi khô để ra thành phẩm là những sợi cói với những màu sắc khác nhau ( có thể là màu đỏ, xanh, lục hoặc vàng). 

Những bó sợi cói sau khi đã nhuộm màu khô. (Ảnh: Nguyễn Quang Ngọc ) 

 

Sau khi sợi cói đã nhuộm màu khô, chúng được dệt thành chiếu hoa. Thường trên một chiếu hoa,  ở giữa sẽ có chữ thọ, chữ song hỷ hoặc chữ trăm năm hạnh phúc. Ở bốn góc của chiếu, có thể thấy tứ linh hoặc bốn hoa văn lớn, cùng với hoa văn trang trí đa dạng ở các góc xung quanh. Ngoài ra, chiếu còn có đường kẻ hoặc màu đỏ hoặc xanh ở nẹp bên ngoài, tạo nên một vẻ đẹp trang nhã và hài hòa.

Trong những năm qua, hoạt động làng nghề này đã phát triển, mang lại công ăn việc làm, tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân trong làng nghề. Theo thống kê của UBND xã, trong số 1.525 hộ dân trong các thôn làm nghề dệt chiếu, gần 700 hộ dựa vào nghề này để sinh sống.

Sản xuất chiếu cói trở thành công việc chính của nhiều hộ dân tại xã Hoài Nhơn (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Trong suốt thời gian dài, chiếu cói đã trở thành một sản phẩm thủ công truyền thống đặc trưng của tỉnh Bình Định. Vì vậy, làng nghề dệt chiếu cói Hoài Châu Bắc đã được UBND tỉnh Bình Định công nhận là một làng nghề truyền thống. 

 

Bright