Bảo tàng Hải dương học được thành lập thời Pháp thuộc, trực thuộc Viện Hải dương học tại thành phố Nha Trang. Bảo tàng Hải dương học có hệ thống tham quan lên tới 5000m2 với hệ sinh thái biển phong phú, nuôi hơn 300 loài sinh vật biển cùng khoảng 23.000 mẫu quý hiếm khác. 

Bắt đầu đón khách tham quan từ năm 1938 nhưng đến cuối tháng 9 năm 2022, Bảo tàng Hải dương học mới được công chúng biết đến nhiều hơn nhờ một bài đăng trên fanpage với nội dung: “Cá không nghỉ trưa. Bảo tàng hải dương học cũng vậy”. Bài viết thu hút hàng ngàn lượt tương tác và nhờ đó, bảo tàng trở nên quen thuộc với khách du lịch hơn, đặc biệt là với người trẻ.  

Du khách đến bảo tàng để tham quan và trải nghiệm. (Ảnh: Bảo tàng Hải dương học). 

Bảo tàng Hải dương học gồm 5 khu tham quan chính, lần lượt là: Hồ, bể nuôi sinh vật biển; khu mẫu vật lớn; rạn nhân tạo; tài nguyên biển Hoàng Sa - Trường Sa và khu đa dạng sinh học biển. 

Hồ, bể nuôi sinh vật biển 

Hệ thống Aquarium của Bảo tàng Hải dương học là khu vực thu hút khách tham quan nhất, bởi nơi đây tập trung cả một quần thể gồm các sinh vật biển tiêu biểu và đa dạng. Một số loài có thể kể đến là cua trang trí, tôm hùm, hải long lá, cá hồng lang, rùa biển…

Cá Mao tiên là loài cá gai có độc, thường sống ở các rạn san hô tại vùng biển đục có độ sâu 50m. (Ảnh: Bảo tàng Hải dương học). 
Cá bò hòm là loài thường sống ở vùng biển Ấn Độ - Thái Bình Dương. (Ảnh: Bảo tàng Hải dương học). 

Ngoài ra, không gian xanh, rộng rãi và nhiều màu sắc tại đây còn là điểm check-in lý tưởng và điểm tham quan, học tập cho các em học sinh. 

Khu mẫu vật lớn 

Tiền thân của Bảo tàng Hải dương học là Bảo tàng Mẫu vật, được xây dựng với mục đích phục vụ các nhà khoa học nghiên cứu mẫu sinh vật biển và trao đổi mẫu vật với các bảo tàng khác trên thế giới. Hiện nay, khu mẫu vật lớn tại bảo tàng đang trưng bày một nguồn di sản biển lâu đời nhất Việt Nam. Trong đó, điểm nhấn của khu vực này chính là nơi trưng bày 3 mẫu vật lớn, gồm bộ xương cá voi lưng gù, bộ xương bò biển và cá nạng hải. 

Bộ xương cá voi lưng gù được trưng bày tại bảo tàng. (Ảnh: Bảo tàng Hải dương học). 

Rạn nhân tạo 

Rạn nhân tạo được bảo tàng xây dựng với mục đích chính là thay đổi quá trình sinh học, làm giàu thủy sinh vật ở vùng đáy. Bên cạnh việc bảo tồn đa dạng sinh học, rạn nhân tạo còn là khu vực cung cấp các dịch vụ trải nghiệm thực tế cho khách tham quan như câu cá, lặn, đi thuyền ra biển… 

Rạn nhân tạo giúp phục hồi nguồn lợi thủy sản. (Ảnh: Bảo tàng Hải dương học). 

Theo Bảo tàng Hải dương học, rạn nhân tạo là nơi để giáo dục lòng yêu thiên nhân và nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và nguồn lợi. 

Tài nguyên biển Hoàng Sa - Trường Sa 

Góp phần nâng cao tình yêu đất nước và nhận thức về an ninh quốc phòng vùng biển đảo, khu trưng bày tài nguyên biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa đã thu hút sự quan tâm của khách du lịch. Khu trưng bày được thiết kế trong đường hầm xuyên qua núi Bảo Đại, dài gần 100m, cao tầm 5m. 

Khu vực trưng bày các tài nguyên biển Hoàng Sa - Trường Sa. (Ảnh: Bảo tàng Hải dương học). 

Nơi đây trưng bày và bảo tồn nhiều loài sinh vật biển cùng các mẫu địa chất đặc trưng của 2 quần đảo Việt Nam như cá mặt trăng đuôi nhọn, cá thu song khổng lồ, đá vôi san hô, vỏ xác sinh vật… 

Khu đa dạng sinh học biển 

Bảo tàng Hải dương học được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam vinh danh là “Nơi lưu trữ bộ mẫu sinh vật biển lớn nhất”. Toàn bộ các mẫu đều được bảo quản kỹ lưỡng trong tủ kính và các lọ thủy tinh. 

Các mẫu vật quý hiếm được trưng bày tại bảo tàng. (Ảnh: Bảo tàng Hải dương học). 

Hiện nay, Bảo tàng Hải dương học đang có tới 20.000 mẫu của 7.000 loài thuộc các nhóm như thực vật biển, hải miên, ruột khoang, thân mềm… Tuy nhiên, con số này đã giảm đi rất nhiều qua các thời kỳ biến động của đất nước. 

Bảo tàng Hải dương học tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa hiện đang là một trong những điểm đến thu hút khách du lịch, bên cạnh những danh lam thắng cảnh nổi tiếng khác như Hòn Tre, vịnh Vân Phong… Đến nơi đây, du khách sẽ có cơ hội khám phá nét đẹp biển đảo đất nước cũng như trải nghiệm các hoạt động thực tế thú vị. 

 

Pamela